Trường đại học Hải Phòng vừa phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Quản lý chất lượng đào tạo tiếng Anh ở các trường đại học giai đoạn 2011-2015”. Hội thảo được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao, bởi nhận diện được những khó khăn, hạn chế, đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể cải thiện tình trạng đào tạo tiếng Anh tại Trường đại học Hải Phòng nói riêng, các trường đại học tại Việt Nam nói chung.Kỳ vọng tạo ra sự thay đổi“Quản lý chất lượng đào tạo tiếng Anh ở các trường đại học giai đoạn 2011-2015” là hội thảo khoa học quốc tế lần đầu được tổ chức tại Trường đại học Hải Phòng từ khi nhà trường trở thành trường đại học đào tạo đa ngành. Được sự giúp đỡ của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, hội thảo thu hút nhiều học giả quốc tế đến từ Viện Anh ngữ Hoa Kỳ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Anh ngữ Apolo, đại diện một số trường đại học trong nước và cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường đại học Hải Phòng.
Phát biểu tại hội thảo, giáo sư, tiến sĩ Vương Toàn Thuyên, Hiệu trưởng Trường đại học Hải Phòng, khẳng định: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay của thế giới, với các nước như Việt Nam, hạn chế về tiếng Anh là một rào cản phát triển. “Khoảng cách chất lượng” giữa yêu cầu sử dụng và đào tạo chưa được rút ngắn. Với một số trường, khoảng cách đó có nguy cơ bị nới rộng. Hội thảo nhằm mục tiêu tìm ra những câu trả lời có giá trị lý luận và thực tiễn cho bài toán nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh trong điều kiện đặc thù của Việt Nam”.
Cũng theo Giáo sư, tiến sĩ Vương Toàn Thuyên, Ban tổ chức hội thảo kỳ vọng các chuyên gia trong và ngoài nước nhận diện những tồn tại trong việc dạy và học tiếng Anh hiện nay ở các trường đại học Việt Nam, chỉ ra những thay đổi, điều chỉnh nào là cần thiết, có tính khả thi cao để tăng hiệu quả, các phương án để huy động “***ồn lực con người” và quản lý hoạt động dạy và học tiếng Anh.
Thẳng thắn chỉ ra những hạn chếTham gia hội thảo người dự dễ dàng nhận ra điểm khác biệt với nhiều hội thảo “truyền thống”, đó là những báo cáo tham luận rất ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề và nhiều phản biện sâu sắc. Tại hội thảo, 12 báo cáo tham luận được trình bày trong tổng số 34 tham luận mà Ban tổ chức hội thảo nhận được. Đặc biệt, 5 tham luận của các chuyên gia nước ngoài cung cấp cách tiếp cận mới, khách quan, khoa học, đồng thời chứng tỏ các chuyên gia rất am hiểu thực tế dạy-học tiếng Anh ở đại học Việt Nam (vì các chuyên gia này đều có nhiều năm giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam và một số nước trong khu vực).
Tham luận của những học giả nước ngoài không “đao to, búa lớn” mà chủ yếu đi sâu vào từng vấn đề nhỏ, cụ thể trong quá trình dạy và học tiếng Anh. Tood Tabberer, học giả Mỹ, hiện giảng dạy ngoại ngữ tại Trường đại học Hải Phòng đi sâu vào đề tài “Tình trạng thiếu ***ồn tài liệu cung cấp cho việc thực hành kỹ năng nghe” trong quá trình dạy và học tại Việt Nam. Theo Tood Tabberer, trong quá trình rèn luyện kỹ năng nghe cho sinh viên tại Việt Nam, phương tiện cần thiết gồm thiết bị đa phương tiện và tài liệu có chất lượng cho sinh viên tự học đều thiếu. Trước những hạn chế trên, cần một số giải pháp cụ thể như trang bị lại cho các phòng máy với những thiết bị đa phương tiện cần thiết như máy chiếu, loa, hệ thống kết nối internet không dây (wifi)…
Sinh viên trường Đại học Hải Phòng trong giờ học ngoại ngữ
Tác giả Manuel V.Bringas đề cập tới việc tổ chức lớp học, vị trí phòng học tại các lớp chuyên ngành tiếng Anh ở Trường đại học Hải Phòng. Theo tác giả này, việc tổ chức lớp học và vị trí phòng học có ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập của sinh viên cũng như việc giảng dạy của giảng viên. Ở Trường đại học Hải Phòng, có những lớp chuyên ngành tiếng Anh mà số sinh viên lên đến hơn 60 người. Quy mô lớp học quá lớn khiến sinh viên khó có cơ hội tham gia nhiều vào thực hành tiếng Anh, quá trình tương tác giữa người dạy và người học bị hạn chế. Do đó, tác giả đề nghị tại các phòng học tiếng Anh, cần giới hạn số lượng sinh viên, đồng thời mở rộng khoảng cách giữa các dãy bàn học để giảng viên có thể dễ dàng đi tới từng bàn học của sinh viên để trao đổi.
Tham gia hội thảo, ông Thomas Brett, Giám đốc học vụ Apolo, chi nhánh Hải Phòng, đề ra giải pháp giúp sinh viên vượt qua những trở ngại trong đọc, viết, nghe và nói tiếng Anh. Ông Thomas Brett cho biết, để luyện kỹ năng đọc tiếng Anh, hãy tìm tới những chủ đề mà sinh viên ưa thích. Ông lấy ví dụ cụ thể về một nữ sinh viên rất yêu thích chàng diễn viên Leonarso Di Capio, đã sưu tập nhiều tài liệu bằng tiếng Anh nói về bộ phim Titanic (Leonarso Di Capio thủ vai chính) và đọc rất say sưa, chỉ một thời gian sau, kỹ năng đọc tiếng Anh của sinh viên này tăng lên rõ rệt. Đối với các kỹ năng khác như nghe, nói, viết đều cần sự mạnh dạn và yêu thích của bản thân mỗi sinh viên.
Điều kiện giảng dạy ở mức thấp
Qua quá trình hội thảo, đa số ý kiến cho rằng, điều kiện giảng dạy tiếng Anh của các trường đại học của Việt Nam, trong đó có Trường đại học Hải Phòng, vẫn thấp so với yêu cầu ở tất cả kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Qua hội thảo, những khuyến cáo và kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài cho thấy, các giảng viên tiếng Anh là người Việt Nam và các nhà quản lý có trách nhiệm về chất lượng đào tạo cần phải nỗ lực, đổi mới một cách thiết thực hơn. Trong quá trình đào tạo, chúng ta đã bỏ qua không ít những điều tưởng như đơn giản những thực ra lại có tác dụng tích cực tới chất lượng đào tạo. Một cách tiếp cận rất đáng chú ý của các chuyên gia nước ngoài là phải hướng tới mục đích sinh viên sử dụng được điều đã học. Điều này có nghĩa là phải dạy những điều cần cho sinh viên không phải chỉ để thi hết môn, phải tạo điều kiện cho họ thực sự được học, được hoàn thiện và biết cách tiếp tục hoàn thiện bản thân./.
Theo Việt Hòa / Báo Hải Phòng