Nhiều người nói rằng người Việt Nam thường sợ ma hơn người Tây phương vì ngay từ thuở nhỏ chúng ta đã được nghe người lớn kể chuyện ma, và những đứa nhỏ nào càng nhát gan bao nhiêu lại càng thích nghe chuyện ma bấy nhiêu. Nhận xét này chưa chắc đã đúng vì các nước Tây phương cũng có rất nhiều người sợ ma, chứng cớ là một số chuyện ma được coi là có thật đã được đưa lên màn bạc, thu hút không biết bao nhiêu triệu khán giả trên thế giới. Ngoài ra, chắc hẳn quí độc giả cũng biết rằng Anh quốc được coi là quốc gia nhiều ma nhất Âu châu. Nhằm mục đích chứng minh rằng ma không phaœi chỉ hiện diện ơœ Việt Nam mà có mặt trên khắp thế giới, đủ các loại ma từ ma da đen đến ma da đỏ, từ ma da trắng tới ma da vàng... Chúng tôi cố gắng sưu tập những chuyện ma trên thế giới để làm công việc của... Người kể chuyện ma.
Câu chuyện đầu tiên mà NKCM gởi tới quí vị hôm nay là chuyện “Ngôi nhà của bà cố”, một chuyện ma Hoa Kỳ với tên các nhân vật được Việt Nam hóa để dễ nhớ, vì hễ có nhớ tên quí vị mới nhớ câu chuyện, mà có nhớ câu chuyện thì khi nào ở nhà một mình về đêm, quí vị mới biết thế nào là sợ ma.
Khi còn theo học bậc cao đẳng, tôi cư ngụ trong một ngôi nhà do ông cố tôi xây từ năm 1915. Ông từ trần trong căn nhà này vào thập niên 1940 và bà cố tôi tiếp tục ở đó cho tới khi khăn gói đi tìm ông tôi vào năm 1978. Bà cố rất thương tôi vì tôi là thằng chắt đầu tiên của ông bà, và tôi được đặt tên là An, tên của ông tôi. Căn nhà của ông bà cố là loại nhà hai tầng kiểu Victoria nằm cách mặt đường khoảng 20 thước. Trước nhà là hai cây xồi khổng lồ cành lá xum xuê khiến những ai không để ý, từ ngoài đường không thể nhìn rõ ngôi nhà. Sau khi bà cố tôi từ trần, ông nội tôi chia ngôi nhà thành ba apartment rộng rãi, một apartment trên lầu với ba phòng ngủ, và hai apartmanet dưới nhà mỗi cái hai phòng ngủ, cho sinh viên mướn vì nhà chỉ cách trường đại học Winthrop chưa đầy hai trăm thước. Khi tôi lên đại học, dĩ nhiên tôi tới ở đây, trong apartment trên lầu cùng hai bạn học, mỗi đứa một phòng. Hai căn dưới nhà mỗi căn cũng có hai sinh viên cư ngụ.
Sau khi ở đây chừng hai tháng, hai người bạn ở chung apartment với tôi cho biết nhiều đêm họ đột nhiên thức giấc vì có cảm tưởng rõ rệt là có người lạ mặt trong phòng. Vì đó là một cảm tưởng rất thực nên họ đã kiểm soát phòng tắm, phòng vệ sinh, cửa ra vào, cửa sổ, tủ áo... nhưng không thấy gì hết. Tôi thú nhận với họ rằng chính tôi nhiều đêm cũng có cảm giác tương tự. Sau khi thảo luận, chúng tôi cho rằng có lẽ vì ngôi nhà quá cũ, thỉnh thoaœng cột kèo sàn ván lại kêu cọt cà cọt kẹt khiến chúng tôi thức giấc và có thể có cảm tưởng như vậy.
Tuy nhiên các sinh viên ở hai apartment bên dưới cũng nói rằng họ có cùng cảm giác như chúng tôi. Nhiều lần họ đột nhiên giật mình thức giấc giữa nữa đêm với cảm tưởng có người lạ mặt trong phòng. Lời giải thích rằng ngôi nhà quá cũ tạo nên những tiếng động khác thường vào lúc nữa đêm không thuyết phục được Bổn, một sinh viên ở tầng dưới, và anh đã dọn ra ở chung với người bạn gái.
Mấy tuần sau, một nữ sinh viên ở tầng trệt, cũng không chịu nổi cái cảm giác hãi hùng vào lúc nữa đêm về sáng vì sự hiện diện vô hình nào đó nên cũng cuốn gói dọn đi nơi khác.
Thực ra chính tôi cũng cảm thấy e ngại, và tuy không nói ra, tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng nhà có ma. Riêng tôi, tôi tự an ủi rằng nếu trong nhà thực sự có ma thì hồn ma đó chắc chắn là của một người đã khuất trong gia đình tôi, và nếu hằng đêm hồn ma này có hiện về đi thăm từng phòng một, chắc cũng chỉ để trông chừng chúng tôi mà thôi. Những người còn lại cũng cố cho rằng cảm tưởng bất thường đó bắt nguồn từ sự cũ kỹ của ngôi nhà và của hai cây xồi cổ thụ phía trước với những cành khẳng khiu rủ lá, nhiều khi trông như những cánh tay ma quờ quạng giữa đêm trường.
Tình trạng sống trong lo lắng và tự an ủi này kéo dài tới một buổi sáng tháng Tư năm 1990 khi tôi xuống lầu để tới trường cho kịp buổi diễn giảng vào lúc 8 giờ. Vừa xuống được nữa cầu thang bên hông nhà, tôi thấy Hợp, một nữ sinh viên ngụ tại một căn phòng ở tầng dưới, ôm mền ngồi ở hiên trước. Hợp là một nữ sinh viên cao đẳng nghệ thuật tại trường đại học Winthrop, và tuy không phải là bạn, chúng tôi dĩ nhiên phải biết nhau vì cùng ở chung một nhà. Sáng hôm đó mặt mũi Hợp trông bơ phờ - mà tôi nghĩ rằng chữ “kinh hãi” có lẽ gần đúng hơn, và có vẻ chờ đợi tôi. Khi tôi chào cô và hỏi cô có việc gì mà ôm mền ngồi trước cửa, Hợp kể cho tôi nghe một kinh nghiệm hãi hùng bằng một giọng còn run rẩy. Cô cho biết đêm hôm trước cô thức khuya nằm trên giường đọc sách, vừa đọc vừa vuốt ve con mèo nhỏ nằm cạnh cô. Đột nhiên con mèo như “cứng mình lại” (nguyên văn lời Hợp nói) và gừ gừ một cách hãi hùng.
Hợp bèn đặt quyển sách xuống, hướng tầm mắt về phía con mèo đang gừ gừ, và đột nhiên cô lạnh toát cả xương sống khi thấy hình dáng một bà lão bé nhỏ có vẻ lâng lâng như sương khói đang ngồi trên một cái ghế cách giường ngủ của cô khoảng năm sáu thước, nhìn chầm chập vào cô bằng đôi mắt, hay nói đúng hơn bằng hai hốc mắt, đen ngòm sâu thẳm.
Sự kinh hoàng khiến Hợp nằm chết cứng, tiếng la kinh hoàng của cô bị tắc nghẽn trong cổ họng, đôi mắt trợn trừng nhìn “hình dáng” bà lão bé nhỏ lâng lâng như sương khói mà Hợp biết chắc là một hồn ma. Tình trạng hãi hùng này có lẽ chỉ diễn ra trong năm mười giây đồng hồ, nhưng đối với Hợp, dài như vô tận. Khi “hình dáng” bà lão đột nhiên tan biến, Hợp mới vùng thoát ra được sự kinh hoàng vẫn giữ chặt cô trên giường, ngồi bật dậy, chụp lấy cái mền, phóng xuống giường, lao mình đẩy tung cửa trước, chạy ra ngồi run rẩy suốt đêm dưới hiên trước cho đến sáng.
Thoạt tiên, bản chất nghệ sĩ cũng như lối ăn mặc bất cần đời của Hợp khiến tôi nghĩ rằng có lẽ cô đã uống rượu hoặc hút cần sa ma túy tạo cho cô cái ảo giác đó. Nói cách khác, tôi không tin một chút nào câu chuyện của cô. Dù sao tôi cũng tìm lời an ủi Hợp và nói rằng có thể cô gặp cơn ác mộng hoặc một cái gì đó, nhưng Hợp cả quyết rằng những gì nàng vừa kể hoàn toàn là sự thật một trăm phần trăm.
Chiều hôm đó trước khi trở lại nhà, tôi ghé nhà cha mẹ tôi cũng ở gần đó và kể cho cha tôi câu chuyện của Hợp. Cha tôi nghe một cách chăm chú rồi hỏi tôi xem ông có thể gặp và nói chuyện với Hợp được không. Tôi bèn điện thoại cho Hợp, nói với cô rằng tôi đã kể câu chuyện mà cô nói với tôi hồi sáng cho cha tôi nghe, và bây giờ cha tôi muốn tới gặp cô. Hợp đồng ý, có lẽ chỉ vì cô biết cha tôi là chủ nhà. Trước khi lên đường, cha tôi lấy một bức hình của bà cố tôi bỏ vào túi. Khi chúng tôi tới nơi, Hợp vẫn có vẻ bồn chồn, bứt rứt. Khi cô kể lại câu chuyện mà tôi đã nghe vào buổi sáng, cha tôi có vẻ chăm chú lắng nghe. Khi cô kể xong, cha tôi nói rằng “hình dáng” bà lão bé nhỏ mà Hợp nhìn thấy trong đêm có thể là bà cố tôi. Tôi thấy rõ vẻ hãi hùng trong đôi mắt Hợp khi nghe câu “kết luận” của ba tôi.
Khi ba tôi hỏi Hợp xem cô có muốn coi hình bà cố tôi xem có phải là người mà cô đã gặp đêm hôm trước hay không, Hợp có vẻ ngần ngại nhưng rồi đồng ý. Khi ba tôi đưa bức hình bà cố tôi ra trước mắt Hợp, cô chỉ nhìn bức hình trong khoảng hai giây rồi gục xuống cái ghế kế bên, vừa khóc nức nở vừa đưa tay đẩy bức hình ra xa.