Kỳ thi đại học càng lúc càng gần, hồ sơ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng... Theo Mực tím Trong khi có nhiều bạn học sinh đã trang bị đầy đủ kiến thức để đi thi, thì cũng còn không ít người vẫn đang ở trong tình trạng “lặn ngụp” giữa một biển kiến thức mênh mông. Cái gì cũng thấy mơ hồ, cái gì cũng muốn ôn tập lại nhưng quỹ thời gian lại chẳng còn bao nhiêu. Vậy là họ hoang mang, không biết bắt đầu từ đâu và cũng không biết nên tập trung vào phần nào, bỏ phần nào. Bạn có gặp phải tình trạng này không? Bạn hãy làm theo những bước sau để cải thiện tình hình nhé:
Đọc đề thi của những năm trước
Rất có thể trong đầu bạn sẽ đặt ra câu hỏi: “Tại sao tôi phải làm điều này?” Câu trả lời là bởi vì qua đề thi của các năm, bạn sẽ thấy được phần kiến thức nào là quan trọng và cần phải ôn trước, phần nào ôn sau. Bạn có để ý thấy, có một số dạng bài năm nào cũng xuất hiện trong đề thi không? Hãy lấy giấy bút ghi lại chúng vì đó là dạng bài tập thuộc những mảng kiến thức cơ bản và hết sức quan trọng.
Bằng cách xem đề thi của các năm trước, bạn đã biết những nội dung mình cần ôn tập rồi đúng không nào? Điều quan trọng bây giờ là phải sắp xếp thời gian ôn tập tùy theo lượng kiến thức của từng phần. Đây là một học một cách có định hướng, giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều thời gian.
Đọc sách giáo khoa
Đọc lại sách giáo khoa để có cái nhìn tổng quát về mỗi mảng kiến thức, xem các ví dụ, hiểu rõ về cách giải, cách trình bày ở các ví dụ đó. Luyện tập với những dạng bài tập cuối mỗi phần.
Bạn phải xác định tinh thần là học phần nào phải nắm chắc phần đó.
Sách tham khảo
Sau khi hiểu và luyện tập các dạng bài tập trong sách giáo khoa, bạn nên tìm những cuốn sách tham khảo, nâng cao (những cuốn sách đã phân dạng bài tập và có đáp án là tốt nhất), làm những bài tương tự nhưng ở mức độ khó hơn. So sánh kết quả với phần đáp án của sách. Nếu bạn làm sai, cũng đừng vội nản nhé! Hãy tự kiểm tra lại xem lời giải của mình có gì khác với sách, tìm hiểu nguyên nhân tại sao lại có sự khác biệt đó. Hoặc bạn cũng có thể nhờ đến sự trợ giúp của thầy cô, bạn bè. Đừng có ngại thầy cô, bạn bè xem thường mình, kết quả của kỳ thi đại học mới là quan trọng.
Và một điều quan trọng nữa bạn nên nhớ trong khi học ôn là giữ cho mình sự độc lập, đừng bận tâm đến việc bạn bè mình ôn phần nào nhiều, phần nào ít. Bởi vì mỗi người có một nền tảng kiến thức khác nhau, nên trọng tâm ôn tập cũng sẽ khác nhau. Và cũng đừng sốt ruột vì lượng kiến thức còn nhiều mà học lướt qua nhé! Làm chắc một hai bài còn hơn là bài nào cũng dang dở đó!
Chúc bạn thành công!