Đọc bài viết của bạn Lê Thu Hà, tôi có một số quan điểm vừa đồng tình vừa không đồng tình với cách nghĩ của bạn nên muốn viết ra những chia sẻ của bản thân để chúng ta cùng bàn luận sâu hơn về vấn đề này.Vì sao chúng em ngán học sử?
Lối thoát nào cho môn sử?
Bộ trưởng Giáo dục: Hàng ngàn điểm 0 môn sử là bình thường
Vốn là một giáo viên, đã từng tốt nghiệp khoa Lịch sử của Trường ĐH Sư phạm, nhưng sau 2 năm đi dạy, tôi đã quyết định bỏ nghề và chuyển sang hướng khác.
Đã từng là một học sinh thi đỗ đại học với điểm môn sử là 9/10, tôi hoàn toàn có thể tự hào vì có niềm đam mê môn học này.
4 năm học đại học cũng cho tôi nhiều cảm nhận. Trong quá trình học, tôi chỉ thích học sử thế giới mà không hề thích học sử Việt Nam, đa phần lớp tôi đều thế.
Ngẫm sâu xa, tôi nhận ra vấn đề là những giáo viên dạy sử Việt Nam của chúng tôi rất khó để có một bài dạy hay như giáo viên dạy sử thế giới.
Chúng tôi đã được học sử thế giới thông qua những hình ảnh rất hay về các sự kiện, được giáo viên của tôi trình chiếu bằng slide và là người phiên dịch viên luôn nên đến giờ tôi vẫn không hề quên những giờ giảng như thế.
Đa phần giáo viên dạy sử thế giới của chúng tôi đều đã đi học nước ngoài về và kinh tế cũng khá giả, họ có nhiều cơ hội để trau dồi chuyên môn.
Nhưng với sử Việt Nam, chúng tôi chỉ biết bò ra bàn ngủ cho đến hết giờ rồi về vì có một số giáo viên dạy quá chán, không thể thú vị để mở mắt ra mà nghe nổi.
Những giáo viên đó nhìn cũng tất tưởi, cũng lo toan, cuộc sống có cái gì đó làm họ không thoát ra được.
Do đó, khi ra trường đi dạy, mảng sử Việt Nam không phải là điểm mạnh của tôi. Không phải là hứng thú khi còn học đại học, nên tôi gần như chẳng có gì để nói với học trò ngoài những kiến thức khô khan trong sách.
Thí sinh trong buổi thi ĐH đợt 2 kỳ thi tuyển sinh năm 2011. Ở khối C, đề thi môn Lịch sử năm nay được đánh giá là khó và hay, có tính phân loại cao và đòi hỏi học sinh có tư duy tổng hợp, chủ động với thông tin mình học được mới có thể được điểm tốt. Ảnh: Lê Anh DũngĐứng trên quan điểm là người đi dạy, tôi – một cô giáo mới ra trường cũng đầy tâm huyết, cũng mất hàng ngày dài chỉ để lên mạng tải xuống những thước phim về chiến tranh, những tấm bản đồ, những hình ảnh cho thật sinh động để chuẩn bị cho bài giảng ngày mai.
Nhưng tôi – một đứa sinh viên vừa mới tốt nghiệp ra trường sống trên mảnh đất Hà thành với cuộc sống đắt đỏ, với bao chi phí phải bỏ ra cho một tháng, nào tiền thuê nhà, tiền xăng xe, điện thoại, tiền ăn, điện nước, tất cả không thể gánh nổi trên đôi vai gầy chỉ với mức trả lương của một giáo viên hợp đồng trường là 25 ngàn đồng/ tiết (năm 2008).
Một tuần, tôi được nhà trường phân cho dạy chỉ có 8 tiết vì có ít lớp, làm một bài toán nhanh thì một tháng, tôi nhận được 800 ngàn đồng. Trong khi đó, tiền thuê nhà là 900 ngàn đồng/ tháng.
Như vậy, tôi không đủ trả tiền thuê nhà huống chi còn bao nhiêu khoản khác nữa, tôi đành xin đi làm ở một công ty ngoài để trang trải cuộc sống.
Nhưng niềm đam mê trở thành cô giáo của tôi vẫn cháy bỏng. Tôi có những tiết giảng rất hay, học sinh rất hứng thú, và chúng tỏ ra rất yêu quý cô giáo dạy Sử.
Tôi cũng đã áp dụng phương pháp dạy học mới, lấy người học làm trung tâm, chia nhóm để học sinh thảo luận, các em rất hứng thú.
Tôi không thấy học sinh coi mình là cô giáo dạy môn phụ, bằng chứng là tôi đã nhận được những tấm thiệp rất đẹp do học sinh tự làm dành tặng ngày 20 – 11 với những câu từ đầy xúc động mà tôi cảm nhận đó là tấm lòng của chúng, hay những bức tranh mà chúng tự vẽ để tặng tôi.
Tôi còn được học sinh chia sẻ cả những chuyện riêng tư mà chúng không hề nói với bố mẹ hay giáo viên chủ nhiệm.
Tôi đã nhận được những lời đề nghị của những học sinh lớp khác mà tôi không dạy được dạy chúng một tiết thôi vì nghe các bạn lớp tôi kể lại là cô dạy rất hay.
Điều đó làm tôi càng có động lực để giữ nghề.
Nhưng do yêu cầu công việc của bên công ty, tôi không thể đi dạy đều nên chỉ xin dạy 3 tiết một tuần để không quên mình là một giáo viên dạy sử.
Tuy nhiên, tôi không còn thời gian và sức lực để soạn những bài giảng hay sau mỗi ngày đi làm đến tối nhọ mặt người mới về với cơ thể mệt nhoài. Điều đó buộc tôi phải lựa chọn, bỏ nghề để không hổ thẹn với đám học trò bởi những bài giảng dở ẹc hay là tiếp tục với sự chán ngán của chúng sau mỗi bài giảng chỉ toàn lý thuyết suông. Tôi quyết định bỏ nghề.
Tôi nhận ra rằng, không phải giáo viên không có tâm huyết, không phải giáo viên không biết dạy hay, họ hoàn toàn có thể làm được điều đó nhưng chỉ có số rất ít mới sống bằng đam mê mà không phải lo chuyện tiền bạc.
Họ không thể dành 2 ngày cho việc soạn một bài giảng hay chỉ để nhận về 25 ngàn đồng/ tiết dạy.
Họ cũng không thể sống 1 tháng chỉ với 800 ngàn đồng cho bao nhiêu chi phí của cuộc sống thị thành đắt đỏ. Mặc dù yêu học trò, mặc dù đầy nhiệt huyết, cuộc sống vẫn buộc họ phải chọn lựa.
Theo tôi, việc giảng sử không hay có phần lỗi của người dạy nhưng chúng ta cần tìm hiểu cặn kẽ cái lỗi đó do đâu mà có.
Học sinh giống như một tờ giấy trắng, không thể nói là các em không thích học nên giáo viên không hứng thú dạy. Vì sao các em không thích học?
Bằng chứng là tôi đã dạy rất nhiều lớp học sinh và cũng đã từng là học sinh, tôi thấy lỗi không phải ở các em, giáo viên đã không có những bài giảng tốt để gây hứng thú cho học sinh. Nhưng vì đâu giáo viên không có được bài giảng tốt, câu trả lời tôi đã nói ở trên thông qua hai quan điểm người dạy và người học.
Thiết nghĩ, cái vòng luẩn quẩn này âu cũng là bài toán kinh tế chung của cả xã hội.
Lương nhà nước trả chỉ có vậy, người giáo viên muốn sống tốt cũng chẳng còn cách nào khác.
Mục tiêu tuy cao cả nhưng
áo gạo tiền buộc họ phải lựa chọn mà thôi. Con người đi làm cũng vì nhiều mục đích, nhưng đa phần là vì tiền và vì đam mê. Vì đam mê thì có số ít mà vì tiền là số nhiều, khi cái mục đích vì tiền không còn trở thành động lực nữa thì việc làm của họ cũng chỉ là cho xong việc mà thôi.
• Bạn đọc Nữ hoàng Phong Lan - Báo Vietnamnet